Bọ nhảy (Phyllotreta striolata) là một loại côn trùng gây hại phổ biến ở các loại rau xanh, loài côn trùng này có đặc tính phát tán nhanh và khó trị. Trong bài viết này, hãy cùng AZ Farming tìm hiểu chi tiết về đặc điểm sinh thái và cách phòng trị loài bọ nhảy này nhé!
#1 Bọ nhảy là gì?
Bọ nhảy có tên khoa học là Phyllotreta striolata, đây là một loài bọ cánh cứng trong họ Chrysomelidae. Loài này được Fabricius miêu tả khoa học năm 1803. Chúng là một loại côn trùng gây hại phổ biến ở bắp cải và các loại rau (đặc biệt là các loại cải và xà lách)
Ở Việt Nam, bọ nhảy phát sinh và phá hại mạnh trong điều kiện thời tiết nóng và khô, ở miền Bắc bọ nhảy sọc cong phát sinh nhiều vào hai đợt tháng 3 – 5 và 7 – 9, ở miền Nam loài côn trùng này xuất hiện nhiều trong các tháng 2, 3, 4.
Một số thông tin bạn cần biết về loài bọ nhảy:
Tên khoa học | Phyllotreta striolata |
Tên gọi khác | Cabbage stem flea beetle, Striped flea beetle |
Loài (species) | P. striolata |
Chi (genus) | Phyllotreta |
Họ (familia) | Chrysomelidae |
Bộ (ordo) | Coleoptera |
Lớp (class) | Insecta |
Ngành (phylum) | Arthropoda |
Giới (regnum) | Animalia |
Vòng đời | 47-107 ngày |
Kích thước | Dài khoảng 2-2,5mm |
#2 Đặc điểm nhận diện bọ nhảy
Trứng: vòng đời 4-7 ngày, có màu trắng, hình bầu dục đến thuôn dài, dài từ 0,26mm đến 0,43mm, thường được đẻ vào đất gần với cây chủ.
Sâu non: vòng đời 15-20 ngày, có 3 tuổi, hình ống mập, mới nở sâu có màu trắng trong, sau đó màu trắng sữa, dài khoảng 4-6mm, sống và làm nhộng dưới đất.

Nhộng: vòng đời 8-10 ngày, nhộng trần có màu nâu, mầm cánh, mầm chân rõ rệt. Sau khi hóa nhộng thì nhộng có màu trắng đục sau đó chuyển dần sang màu vàng nâu cho đến khi hóa trưởng thành. khi trưởng thành hoàn toàn nó có chiều dài từ 3,2 đến 5,0mm.
Bọ nhảy trưởng thành: vòng đời 20-70 ngày, hình bầu dục có chiều dài 1,5-2,5mm, có cánh cứng màu đen sáng bóng với một ánh xanh, có một gợn sóng màu hổ phách dòng chạy theo chiều dài của mỗi cánh.
#3 Dấu hiệu nhận biết bọ nhảy tấn công cây trồng

Ở giai đoạn sâu non chúng gây hại bằng cách ăn các rễ phụ của cây rồi từ từ đục dần vào rễ chính làm cho cây kém phát triển. Nếu mật độ sâu non cao làm cho cây héo và gây chết cây.
Bọ nhảy gây thiệt hại nặng nhất là khi chúng trưởng thành, chúng ăn các lá non tạo ra các lỗ thủng trên bề mặt lá, nếu bị nặng sẽ làm cho lá bị các lỗ thủng như tấm lưới, te tua, các lớp mô mỏng còn lại cuối cùng sẽ khô và rụng đi. Ở giai đoạn cây non thì cây non rất dễ bị chết.
#4 Cách phòng trị bọ nhảy hiệu quả
Phòng bọ nhảy bằng biện pháp canh tác
• Trước khi bắt đầu mùa vụ, bà con cần vệ sinh các tàn dư để lại của mùa vụ trước và phơi đất để tiêu diệt sâu non và nhộng còn sót trong đất.
• Bà con có thể bón vôi vào cho đất (25 – 30 kg vôi bột/1000m2) giúp loại bỏ gần như cơ bản nhộng và trứng của bọ nhảy còn sót lại trong đất trồng.
• Nên luân phiên cây trồng trong vườn, không nên trồng mỗi cây cải (cây rau thập tự) nhiều năm liên tiếp. Các loại rau có thể luân canh trong vườn như: ngò, dưa leo, cà chua, bầu, bí đao, hành lá… giúp hạn chế lượng bọ nhảy gây hại.
• Một mẹo nhỏ là khi thu hoạch bà con dành ra một ít diện tích nhỏ để lại, nhằm mục đích cho bọ nhảy tập trung lại một chỗ sau đó tiêu diệt chúng, để hạn chế bọ nhảy phá hại mùa vụ sau.
Quản lý bọ nhảy bằng biện pháp sinh học
• Sử dụng bẫy dính vàng để tiêu diệt bọ nhảy sớm nhằm mục đích hạn chế số lượng sinh sôi nảy nở của chúng.
• Sử dụng các chế phẩm sinh học đa công dụng như tinh dầu neem, Bio-B để phun cho cây trồng định kỳ cũng giúp hạn chế sự phát triển của bọ nhảy mà không gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe.
Trị bọ nhảy bằng các loại thuốc hóa học
Khi bọ nhảy phá hoại nhiều, có thể sử dụng các loại thuốc trừ sâu gốc lân hữu cơ để trị nếu cần, nhất là đối với ấu trùng, nên phun sát gốc cây cải để diệt ấu trùng sống dưới đất.
Một số loại thuốc bảo vệ thực vật chuyên trị bọ nhảy hiệu quả như: Olong 55WP; Diaphos 50EC; Sherzol 205EC; Biocin 16WP hoặc 8000SC; Vibasu 50EC
Bọ nhảy là loài côn trùng phát tán nhanh và di chuyển cơ động nên việc trị loại con trùng này rất khó khăn, vì thế bà con cần thường xuyên thăm vườn, quan sát các dấu hiệu để phát hiện chúng sớm thì việc xử lý bọ nhảy ngay từ đầu sẽ đơn giản hơn.
Các loại sâu bọ côn trùng gây hại phổ biến

Xin Chào! Tôi là Bao Pham với sở thích nghiên cứu nông nghiệp tôi đã thành lập AZ Farming, với mong muốn đồng hành cùng những người yêu thích nông nghiệp và làm vườn…Cùng xây dựng một nền nông nghiệp xanh sạch hiện đại bền vững.