Mô hình thủy canh nhỏ giọt (Drip)

Mô hình thủy canh tưới nhỏ giọt drip

Mô hình thủy canh nhỏ giọt là một trong những mô hình phổ biến nhất được sử dụng trong hoạt động trồng trọt thủy canh. Loại hình thủy canh này sử dụng kỹ thuật “tưới tiết kiệm nước” được sử dụng trong canh tác truyền thống và điều chỉnh nó cho phù hợp với mô hình trồng trọt không cần đất, đơn giản, hiệu quả và linh hoạt.

Trong bài chia sẻ này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những điều cơ bản của hệ thống thủy canh tưới nhỏ giọt, và cách xây dựng một mô hình nhỏ giọt của riêng bạn.

#1 Mô hình thủy canh nhỏ giọt là gì?

hệ thống thủy canh tưới nhỏ giọt

Trong mô hình nhỏ giọt, dung dịch dinh dưỡng được đưa đến hệ thống rễ của cây trồng thủy canh bằng cách sử dụng phương pháp tưới nhỏ giọt. Kiểu tưới lưu lượng thấp này rất tiết kiệm dung dịch dinh dưỡng thủy canh.

Canh tác thẳng đứng (trồng cây theo chiều dọc) là một ứng dụng phổ biến của mô hình thủy canh nhỏ giọt, bạn chỉ cần bơm dung dịch dinh dưỡng lên đỉnh của hệ thống và sau đó để trọng lực làm phần còn lại (dung dịch sẽ nhỏ từng giọt từ trên xuống).

#2 Hệ thống thủy canh nhỏ giọt hoạt động như thế nào?

nguyên tắt hoạt động của mô hình thủy canh nhỏ giọt

Sử dụng một máy bơm đặt trong bể chứa dung dịch dinh dưỡng, hệ thống nhỏ giọt cung cấp dung dịch dinh dưỡng đến rễ cây thông qua một ống van nhỏ giọt. Máy bơm thường được kết nối với bộ đếm thời gian để tự động lập lịch tưới định kỳ.

Bất kể đó là hệ thống trồng thẳng đứng hay vườn nằm ngang thông thường, dung dịch dinh dưỡng sẽ chảy xuống qua giá thể và khi dung dịch thấm đến đáy giá thể, một lượng dung dịch chưa được rễ cây hấp thụ sẽ được trả lại cho bể chứa để tái sử dụng hoặc loại bỏ khỏi thể thống. Chính điều này đã phân hệ thống này thành hai loại gọi là hệ thống hồi lưu và không hồi lưu.

#3 Hai loại mô hình thủy canh nhỏ giọt

Có hai loại hệ thống thủy canh nhỏ giọt khác nhau: hệ thống hồi lưu và hệ thống không hồi lưu. Mỗi loại có những ưu và nhược điểm riêng. Tùy vào nhu cầu thực tế bạn có thể lựa chọn phương án tốt nhất cho mình.

Hệ thống nhỏ giọt hồi lưu

Hệ thống hồi lưu là hệ thống trong đó dung dịch dinh dưỡng được thu hồi và được tái sử dụng nhiều lần. Hệ thống hồi lưu là hệ thống ít phụ thuộc vào công nghệ hơn hệ thống không hồi lưu. 

Kỹ thuật này áp dụng rất đơn giản vào các khu vườn thẳng đứng. Chúng hoạt động bằng cách tưới nhỏ giọt từ từ dung dịch vào chất trồng và cho phép phần không sử dụng thấm xuống đáy khu vườn thẳng đứng  trước khi bơm ngược trở lại trên đỉnh và tiếp tục chu trình.

Mặc dù việc tái sử dụng dung dịch của bạn có thể giúp tiết kiệm chi phí chất dinh dưỡng, nhưng điều đó đòi hỏi bạn phải theo dõi cẩn thận độ pH và mức EC trong dung dịch của mình. Vì các chỉ số này sẽ thay đổi khi cây hấp thụ những nguyên tố dinh dưỡng cây cần trong mỗi chu kỳ tuần hoàn. 

Bạn sẽ cần phải điều chỉnh mức độ pH trong khoảng thích hợp với loại cây trồng của bạn cũng như định kỳ thay thế một mẻ dung dịch mới.

Hệ thống nhỏ giọt không hồi lưu

Mặc dù có vẻ phản trực quan, nhưng hệ thống không hồi lưu thực sự có thể tiết kiệm tài nguyên hơn hệ thống hồi lưu và do đó đây là kỹ thuật ưa thích cho những người trồng thủy canh quy mô thương mại. 

Tuy nhiên, để hiệu quả hơn, các chu kỳ nhỏ giọt cần phải rất chính xác, thời gian tưới có thể cần phải chính xác đến từng giây. 

Vì bạn không tái sử dụng dung dịch trong hệ thống, nên các hệ thống không thu hồi chỉ yêu cầu bạn đổ đầy dung dịch dinh dưỡng mới vào bể chứa khi cần thiết, có nghĩa là bạn không cần theo dõi nồng độ pH và mức EC trong bể chứa một cách thường xuyên.

#4 Ưu điểm của mô hình thủy canh nhỏ giọt

Mô hình thủy canh nhỏ giọt có một số ưu điểm so với các loại thủy canh khác. Dưới đây là một số lý do tại sao bạn có thể cân nhắc chọn loại hệ thống này:

1. Sự đơn giản

Hệ thống này được thiết lập và sử dụng rất đơn giản để trồng cây quanh năm. Bạn có thể chế tạo một hệ thống với các thiết bị tương đối rẻ tiền. 

Và bạn không cần phải lo lắng về việc rễ cây sẽ bị khô nếu có sự gián đoạn của chu kỳ tưới nước do nguồn điện bị tắt, vì giá thể trồng cây sẽ tiếp tục cung cấp độ ẩm trong một khoảng thời gian nhất định sau khi hệ thống nhỏ giọt đã ngừng hoạt động.

2. Tính hiệu quả

Mô hình tưới nhỏ giọt cho phép bạn kiểm soát rất nhiều yếu tố như: vị trí nhỏ giọt, lịch trình tưới và lượng chất dinh dưỡng… Hệ thống thủy canh nhỏ giọt có thể vừa tự động hóa cao vừa rất tiết kiệm tài nguyên. 

Như đã lưu ý ở trên, các hệ thống không hồi lưu được tinh chỉnh chính xác sẽ tiết kiệm tài nguyên hơn các hệ thống hồi lưu, nhưng các hệ thống hồi lưu có thể dễ thiết lập hơn nhiều.

3. Tính linh hoạt

Có lẽ lý do chính mà hệ thống thủy canh nhỏ giọt là hệ thống thủy canh được sử dụng rộng rãi là tính linh hoạt của nó. 

Hệ thống này có thể được điều chỉnh cho các khu vườn nhỏ cũng như các khu vườn thương mại quy mô lớn và có thể thích hợp với nhiều loại cây – bao gồm các loại cây có kích thước lớn như cà chua, dưa leo và bí… Điều mà một số mô hình thủy canh khác không thể làm được.

#5 Nhược điểm của mô hình thủy canh nhỏ giọt

Như với bất kỳ loại hình thủy canh nào, mô hinh nhỏ giọt này cũng có một số nhược điểm bạn cần cân nhắc khi nghĩ đến việc sử dụng để trồng cây của bạn.

Tắc nghẽn đầu phun nhỏ giọt

Nhược điểm lớn nhất của hệ thống thủy canh nhỏ giọt là các đầu phun nhỏ giọt có xu hướng bị tắc. Đây là một vấn đề ở các hệ thống nhỏ giọt. 

Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ các chất rắn trong dung dịch thủy canh, hoặc do sự phát triển của tảo hay sự tích tụ kết của các khoáng chất dinh dưỡng.

Tuy nhiên, có một số điều bạn có thể làm để tránh tắc nghẽn bộ phát:

♦ Theo dõi mức độ pH và EC của dung dịch dinh dưỡng trong bể chứa của bạn để giúp đảm bảo rằng các chất dinh dưỡng được hòa tan hoàn toàn.

♦ Kiểm tra các đầu phun nhỏ giọt thường xuyên, dùng ngón tay gõ nhẹ vào chúng để làm trôi hết cặn bẩn có thể tích tụ ở đó.

♦ Làm sạch toàn bộ hệ thống của bạn tốt sau mỗi lần thu hoạch để ngăn ngừa sự tích tụ của tảo và vi khuẩn. Điều này bao gồm cả việc rửa sạch sau đó làm vệ sinh giá thể của bạn và xả hệ thống tưới tiêu của bạn bằng axit nitric…

Các nhược điểm khác

Có một số nhược điểm khác liên quan đến hệ thống thủy canh nhỏ giọt như:

  • Sự phụ thuộc vào điện so với các hệ thống thủy canh thụ động khác không yêu cầu bất kỳ bộ phận chuyển động nào
  • Xử lý các biến động pH và nồng độ dinh dưỡng trong hệ thống hồi lưu
  • Yêu cầu bộ hẹn giờ chu kỳ có độ chính xác cao để phân phối dung dịch dinh dưỡng chính xác

#6 Các thành phần cơ bản của hệ thống thủy canh nhỏ giọt

Dưới đây là tất cả các thành phần mà bạn sẽ cần để xây dựng một mô hình thủy canh nhỏ giọt của riêng mình tại nhà:

1. Thùng chứa cây trồng

Bạn có rất nhiều sự lựa chọn thùng chứa cây trồng trong hệ thống nhỏ giọt thủy canh của bạn. Bạn có thể sử dụng một thùng lớn cho tất cả các loại cây của bạn, hoặc dùng các thùng trồng riêng biệt cho từng loại cây khác nhau.

Dù bạn sử dụng cách thiết lập thùng trồng cây nào, hãy đảm bảo rằng lượng dung dịch dinh dưỡng thừa sẽ được thoát ra khỏi đáy và được đưa trở lại bể chứa của bạn hoặc được loại bỏ.

2. Giá thể cho hệ thống thủy canh nhỏ giọt

Với hệ thống thủy canh nhỏ giọt, bạn cần một loại giá thể trồng cây để hỗ trợ  cố định cây trồng của bạn và giữ dung dịch dinh dưỡng và không khí cho cây trồng. Loại giá thể này cũng cần có khả năng thoát nước tốt. 

Một số loại giá thể  thích hợp bao gồm viên đất sét nung, xơ dừa và đá trân châu. Đối với các hệ thống nhỏ giọt không yêu cầu độ chính xác quá cao , bạn có thể hỗ trợ thoát nước bằng cách đặt đá cuội hoặc sỏi để làm giá thể.

3. Bể chứa dung dịch dinh dưỡng

Bể chứa dung dịch dinh dưỡng của bạn phải là một thùng kín được làm bằng vật liệu mờ đục không cho ánh sáng đi qua, để ngăn chặn sự phát triển của tảo và vi khuẩn. Đảm bảo rằng nó nằm ở vị trí để bạn có thể dễ dàng theo dõi và thay mới dung dịch.

4. Máy bơm chìm

Bạn không cần một máy bơm công suất lớn cho hệ thống thủy canh nhỏ giọt. Bạn cũng có thể lắp đặt thêm một máy bơm khí và đá không khí để sục khí dung dịch dinh dưỡng và giúp đảm bảo rằng rễ cây được cung cấp oxy tối đa.

5. Bộ hẹn giờ cho máy bơm

Hầu hết các hệ thống nhỏ giọt thủy canh đều có bộ đếm thời gian gắn liền với máy bơm. Bạn không cần một bộ đếm thời gian chu kỳ chính xác, trừ khi bạn đang thiết lập một hệ thống thủy canh nhỏ giọt không hồi lưu phức tạp hơn với yêu cầu độ chính xác tối đa.

6. Ống dẫn

Bạn có thể sẽ sử dụng kết hợp các thành phần tưới có thể bao gồm PVC hoặc ống mềm, dây nhỏ giọt…và các đầu nối hoặc phụ kiện khi cần thiết để phù hợp với thiết kế riêng của hệ thống nhỏ giọt thủy canh của bạn.

7. Đầu van tưới nhỏ giọt

Để cung cấp dung dịch dinh dưỡng trực tiếp đến vùng rễ của cây, bạn cần sử dụng ít nhất một đầu phun hoặc vòi phun nhỏ giọt cho mỗi cây. Tuy nhiên, bạn cũng có thể thiết lập một hệ thống tưới nhỏ giọt rất đơn giản bằng cách đặt các ống có có một lỗ nhỏ đủ để nước nhỏ từng giọt dưới gốc mỗi cây trồng.

Phần kết

♦ Sau khi đọc qua bài chia sẻ này, bạn đã hiểu về mô hình thủy canh nhỏ giọt – một trong những mô hình thường được sử dụng nhất công canh tác thủy canh trên thế giới.

♦ Với những ưu điểm về tính đơn giản, dễ dàng thiết lập và vận hành, tiết kiệm tài nguyên nước và dung dịch thủy canh, trồng được nhiều loại cây trồng thủy canh kích thước lớn. Đây là mô hình bạn cần cân nhắc khi có ý định tạo một khu vườn thủy canh.

♦ Tuy nhiên, với mô hình này bạn cần chú ý đến vấn đề chọn loại giá thể phù hợp, thường xuyên kiểm tra các đầu tưới nhỏ giọt, tránh trường hợp cây trồng không nhận được dung dịch thủy canh trong thời gian quá lâu.

♦ Bên cạnh mô hình nhỏ giọt này, bạn có thể tham khảo thêm những mô hình thủy canh khác. Để từ đó chọn lựa được mô hình phù hợp nhất cho mình nhé!

Mô hình thủy canh dạng bấc – Wick (đơn giản nhất)

Mô hình nuôi nước sâu – Deep Water Culture  (dễ thực hiện)

Mô hình ngập và rút nước – Ebb and Flow (phổ biến nhất)

Mô hình màng dinh dưỡng – Nutrient Film Technique (phổ biến nhất)

Mô hình khí canh – Aeroponics (yêu cầu kỹ thuật cao nhất)

Đóng Góp Ý Kiến Của Bạn