Cây Măng tây tên tiếng anh là “Asparagus”, là loại cây thân thảo sống lâu năm, cao từ 1m đến 1.5m, thân mập, phân nhánh nhiều, tán lá có lông. Trong bài chia sẻ này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu cách trồng măng tây dành cho người mới bắt đầu muốn trồng loại râu xanh này.
Măng tây thuộc họ “Asparagaceae” và chi “Măng tây”. Măng tây có thể được sử dụng như một loại rau và thuốc. Loại rau này có thể được trồng ở nhiều vùng khí hậu khác nhau từ vùng ôn đến đến các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới.
Măng tây là loại rau xanh rất có giá trị về dinh dưỡng và giá trị thương mại. Chúng thường là một trong những loại rau xanh đắt nhất trên các quầy bán rau củ trong siêu thị.
#1 Các loại măng tây trên thị trường
Măng tây được trồng ở Việt Nam phổ biến gồm 3 loại được chia dựa theo màu sắc của những chồi măng non bao gồm: măng tây xanh, măng tây trắng và măng tây tím.
Măng tây xanh
Đây là loại măng tây phổ biến nhất. Màu sắc của măng tây xanh có được do quá trình quang hợp của ngọn chồi măng khi tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời.
Những chồi măng có màu màu xanh đậm, bóng, dày dặn, mập mạp, là những chồi chất lượng nhất.
Măng tây trắng
Đây là loại măng tây hiếm và có giá trị cao trên thị trường. Màu trắng của những chồi măng là do chúng được trồng trong tối, không được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
Khi giáo măng tây được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, đầu tiên nó sẽ chuyển sang màu hồng và sau đó thành màu xanh. Nếu không được tiếp xúc ánh sáng nó sẽ có màu trắng.
Măng tây tím
măng tây tím khác với các loại măng tây xanh và trắng ở chỗ có lượng đường cao và lượng chất xơ thấp. Màu tím của những giáo măng là do hàm lượng caophytochemical và anthocyanins (chất chống oxy hóa mạnh) trong giáo măng.
Loại măng tây này có một hàm lượng chất xơ thấp hơn so với măng tây xanh và trắng khiến nó mềm hơn. Đây là loại măng tây hiếm và có giá trị cao trên thị trường.
#2 Điều kiện thích hợp để trồng măng tây
loại đất thích hợp để trồng măng tây
♦ Măng tây có thể được trồng trên nhiều loại đất khác nhau như: đất phù sa, đất đỏ bazan, đất thịt, đất cát pha thịt….
♦ Loại đất tốt nhất để trồng măng tây là loại đất thoát nước tốt, giàu chất hữu cơ với độ dày tầng đất canh tác từ 30-40cm.
♦ Nên chọn những khu đất bằng phẳng, cao, không bị ngập nước trong thời gian dài.
♦ Độ pH của đất từ 6,5 đến 7,0 là lý tưởng. Nếu đất có tính axit cao bạn nên xử lý trước khi trồng (bón vôi cho đất).
♦ Nếu đất của bạn là loại đất nặng, bạn nên cân nhắc tạo luống cao để trồng măng tây hiệu quả. Luống trồng có kích thước chiều ngang 1 – 1,2m và cao 20 – 30cm.
Yêu cầu về khí hậu
Măng tây có thể dễ dàng trồng ở các vùng khí hậu nông nghiệp cận nhiệt đới và cận ôn đới và ôn đới. Chúng cũng có thể trồng ở những vùng có độ cao lên đến 1300m.
Yêu cầu về nhiệt độ và ánh sáng
Nhiệt độ thích hợp nhất để trồng măng tây là từ 25 – 30 độ, cây ưa nhiệt độ mát mẻ.
Măng tây cần nhận được ánh sáng mặt trời từ 6 – 8 giờ mỗi ngày để đảm bảo cây phát triển tốt. Nếu bạn trồng măng tây trong khu vực nhiều nắng, bạn cần có đủ nguồn nước và sử dụng vật liệu phủ để đảm bảo độ ẩm cho cho cây.
Thời vụ trồng măng tây ở Việt Nam
Cây măng tây con sinh trưởng tốt ở nhiệt độ từ 15 đến 30°C, do đó ở nước ta có 2 thời điểm thích hợp để trồng măng tây.
♦ Vụ thu đông: ươm hạt vào cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 để trồng tháng 2, tháng 3 năm sau.
♦ Vụ xuân hè: ươm hạt vào cuối tháng 2 đến tháng 4 để trồng từ tháng 4 đến tháng 6.
#3 Cách trồng măng tây
Bạn có thể trồng măng tây bằng cách tự ươm cây con bằng hạt hoặc mua cây con sẵn có trên thị trường.
Dù trồng bằng cách nào thì việc quan trọng trước tiên là bạn phải xử lý đất trồng trong khu vườn của bạn. Cộng đoạn làm đất trước khi trồng rất quan trọng, nó ảnh hưởng đến hiệu quả và năng suất của cây măng tây, vì thế bạn nên làm tốt bước này.
1. Làm đất trước khi trồng măng tây
Đất trồng phải được xử lý thật kỹ trước khi bạn tiến hành trồng măng tây khoảng 2 tháng. Tiến hành cày đất sâu khoảng 20 đến 30cm, sau đó bừa xới lại 2 đến 3 lần.
Trong khâu làm đất này bạn phải đảm bảo loại bỏ cỏ dại từ các mùa vụ trước, loại bỏ đá sỏi, rác và san lấp đất bằng phẳng. Dưới đây là quy trình làm đất trồng măng tây phổ biến bạn có thể tham khảo:
Cày đất sâu khoảng 20 – 30 cm, dọn sạch cỏ rác, đá sỏi trong khu đất trồng.
Sau 15 ngày, tiến hành rải vôi khắp mặt khu đất và cày xới để vôi được trộn đều vào đất. Bước này nhằm mục đích tiêu diệt mầm bệnh, nấm có trong đất.
15 ngày trước khi trồng cây măng tây. Tiếp tục cày xới cho đất tơi xốp.
Bón lót lần 1 các loại phân chuồng ủ hoai, phân trùn quế hoặc phân hữu để làm giàu dinh dưỡng cho đất trồng.
Bón lót lần 2 với các loại phân hữu cơ và tiến hành lên luống đất trồng. Luống đất rộng 1 – 1,2m cao 20 – 30 cm. mỗi luống cách nhau bởi một rãnh thoát nước có độ sâu 30cm.
2. Ươm hạt giống măng tây
Công đoạn này mất đến 2 đến 3 tháng để có được cây giống tốt cho việc trồng măng tây. Nếu bạn trồng bằng cách mua cây giống có sẵn trên thị trường bạn có thể bỏ qua phần này và xem tiếp phần cách trồng cây măng tây ở phía dưới.
Trước khi ngâm bạn nên phơi hạt giống từ 2 – 3 giờ ngoài nắng nhẹ. Sau đó mang hạt giống măng tây đi ngâm từ 15 – 20 giờ trong nước ấm ở nhiệt độ khoảng 40 – 45 độ C.
Để quá trình ngâm hạt tốt hơn bạn nên thay nước ngâm 5h mỗi lần. Sau khi ngâm xong hạt được vớt ra và rửa sạch bằng nước mát.
Sau khi hạt giống được ngâm và rửa sạch bạn có thể để hạt ở nơi khô ráo thoáng khí từ 1-2 giờ sau đó tiến hành ủ hạt. Quy trình ủ hạt có thể sẽ khác nhau tùy theo mỗi người, tuy nhiên bạn nên đảm bảo một số yêu cầu dưới đây để tỷ lệ nảy mầm của hạt cao nhất.
♦ Vật liệu làm nền để ủ hạt có thể là một lớp vải mềm, bông gòn hoặc trên mặt đất rải một lớp tro hoặc mụn dừa…
♦ Sau khi rải hạt giống lên lớp nền, cần phủ lên trên hạt một lớp mỏng khoảng 1cm (tro trấu, phân hữu cơ, mụn dừa…)
♦ Tưới nước điều đặn 2 – 3 lần mỗi ngày, tưới nhẹ và tốt nhất bạn nên phủ lớp lưới trên khu vực ủ hạt để việc tưới nước không làm trôi hay ảnh hưởng đến hạt giống.
♦ Trong tuần đầu tiên đảm bảo nhiệt độ ở nơi ủ hạt từ 30 đến 40 độ C
♦ Thông thường sau từ 9 – 12 ngày, hạt sẽ nảy mầm và có thể sẵn sàng để ươm trong bầu đất.
Khi ươm cây, bạn nên chọn ươm trong bầu đất và chọn vị trí mà bạn dễ dàng chăm sóc chúng thường xuyên. Vì như vậy bạn có thể dễ dàng kiểm soát sâu bệnh và côn trùng gây hại trong quá trình cây con phát triển trong bầu đất. Những lưu ý khi ươm hạt:
♦ Sử dụng loại bầu ươm cây tự phân hủy
♦ Cho đất vào bầu ươm (đất đã được xử lý từ trước).
♦ Ấn một lỗ sâu khoảng 1 – 2cm chính giữa miệng bầu đất.
♦ Đặt hạt giống măng tây sau khi ủ xuống lỗ rồi lấp nhẹ bằng một lớp đất tơi bên trên.
♦ Đục lỗ ở đáy bầu ươm để giúp thoát nước.
♦ Đặt bầu ươm ở nơi có ánh sáng vừa đủ (không quá nắng) để kích thích hạt nảy mầm. Vị trí đặt bầu ươm cũng nên chọn vị trí nào bạn dễ dàng lui tới để chăm sóc cây con thường xuyên.
3. Kỹ thuật trồng cây măng tây
Cây con trong vườn ươm của bạn khi đạt chiều dài 23-30cm, cây phát triển khỏe mạnh, có màu xanh mướt… là có thể mang đi trồng.
Thông thường có hai lựa chọn trồng măng tây được nhiều bà con nông dân lựa chọn là: trồng hàng đơn (một hàng măng tây trên một luống) hoặc hàng đôi (hai hàng măng tây trên một luống).
♦ Đối với trồng hàng đơn, mật độ cây khoảng 18.000 cây/ha, khoảng cách giữa các cây trong một hàng từ 40 – 50cm và được trồng trên một luống rộng 90 – 110 cm.
♦ Đối với trồng hàng đôi, mật độ cây khoảng 27.000 cây/ha, khoảng cách giữa các cây trong một hàng từ 40 – 50cm và được trồng trên một luống rộng 120 – 150 cm.
Sau khi xác định cách trồng đơn hay đôi, mật độ và khoảng cách trồng là bước trồng cây măng tây con mà bạn đã ươm hoặc mua trên thị trường. Những lưu ý khi trồng măng tây.
⇒ Đào hố trồng cây, hố trồng được đào với chiều rộng tùy thuộc vào kích thước bầu đất ươm bạn sử dụng (thông thường hố có độ sâu 15 – 20cm), hố cách hố 40 – 50 cm.
⇒ Sau khi đào hố xong, nhấc nhẹ bầu cây, rạch bỏ túi nilon rồi vùi bầu đất xuống hố đất, lấp kín, ấn chặt gốc.
⇒ Sau khi trồng cây xong, cần lấy đất 2 bên mép liếp đất trồng để vun gốc, phủ một lớp đất mặt cao 5cm cho những gốc cây đã trồng để bảo vệ cổ rễ và giữ cây măng đứng thẳng quang hợp với nắng.
⇒ Theo dõi cây trồng thường xuyên, nếu thấy có cây bị hư hỏng, sâu bệnh hoặc chết thì tiến hành trồng bổ sung ngay.
#4 Cách chăm sóc cây măng tây
1. Tưới nước cho măng tây
Lượng nước và số lần tưới phụ thuộc vào điều kiện, khí hậu của từng khu vực. Thông thường, cây măng tây cần được tưới nước hằng ngày. Tưới 2-3 lần một ngày vào sáng sớm và chiều.
Khi cây ra chồi măng non, nên tưới nhẹ tránh làm gãy giáo măng. Tốt nhất nên phủ một lớp vật liệu phủ như rơm rạ xung quanh gốc cây.
Vào những tháng mưa nhiều cần chú ý vấn đề ngập nước, cần đảm bảo các rãnh thoát nước hoạt động tốt. Tránh để cây măng tây bị ngập nước quá lâu sẽ gây thối rễ.
2. Bón phân cho cây măng tây
Cây măng tây sau khi trồng được 15 – 20 ngày thì sẽ được bón thúc lần một bằng phức hợp NPK 15 – 15 – 15 pha với nước tưới vào gốc cây và sau đó vun đất ở gốc.
Định kỳ cứ cách 10 – 15 ngày tiếp tục bón thúc phân NPK 16 – 16 – 8 kết hợp với các loại phân bón vi sinh cho đến thời điểm cách thu hoạch tầm nửa tháng.
Bên cạnh đó cần kết hợp với phân hữu cơ bằng cách bón thúc mỗi mùa xuân với 5 – 7cm phân chuồng hoại mục và một lớp mùn hữu cơ mỏng bên trên.
3. Phòng trừ sâu bệnh gây hại măng tây
Trong trồng trọt măng tây nói riêng và các loại thực phẩm nói chung, bạn cần phải áp dụng tối đa biện pháp phòng ngừa sâu bệnh gây hại.
Khi bắt buộc phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để kiểm soát sâu bệnh thì cần tuân thủ các nguyên tắc về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định. Dưới đây là một số loại sâu bệnh gây hại thường gặp ở cây măng tây và cách xử lý.
♦ Sâu đất, sâu xanh, các loại côn trùng gây hại: Cần làm đất kỹ, vun xới và lên luống cao, đảm bảo độ ẩm của đất, làm sạch cỏ và cắt tỉa cành lá già.
♦ Các loại rầy rệp, bọ trĩ, bọ cánh cứng sẽ xuất hiện nhiều vào mùa khô nóng: Chú ý tưới nước, làm đất thông thoáng cho cây.
♦ Các bệnh nấm, virus gây hại khiến măng tây bị thối gốc rễ, cây bị khô héo, bệnh sương mai: Trong trường hợp này cần phải sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật như Kasai, Kasumin, Daconil, Tricalphos, Validan,…
♦ Trường hợp cây bị nấm tấn công khiến rễ bị thối, chết gốc thì cần phun thuốc Wofatox hoặc Dipterex 0,1%.
Trước khi sử dụng bất kỳ một loại thuốc hóa học nào bạn cần tham vấn ý kiến của các chuyên gia hay cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo hiệu quả và an toàn cho cây trồng và sức khỏe người tiêu dùng nhé!
#5 Cách thu hoạch măng tây
Sau khi trồng từ 7 – 9 tháng thì cây măng tây sẽ cho các giáo măng đầu tiên. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng trong năm đầu tiên sau khi trồng không nên thu hoạch giáo măng. Chỉ nên thu hoạch măng tây kể từ năm thứ hai trở đi.
Việc thu hoạch măng tây khá đơn giản,khi các giáo măng mọc cao từ 20 – 30 cm. Chỉ cần nắm sát gốc giáo măng nghiêng 30 độ xoay và giật nhẹ. Có thể dùng kéo cắt chồi măng, sát phần thân ngầm dưới đất nhưng phải chú ý để hạn chế ảnh hưởng đến các chồi khác.
Thu hoạch măng tây thường diễn ra trong 3 tháng, sau đó thì ngưng và tập trung chăm sóc cây cho mùa thu hoặc năm sâu.
Nếu được chăm sóc tốt, cây măng tây có thể khỏe mạnh và cho năng suất cao từ 10 đến 15 năm.
#6 Công dụng của măng tây đối với sức khỏe
Măng tây là một loại rau phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới. Tùy thuộc vào loại măng tây và sở thích, bạn có thể ăn sống hoặc nấu chín chúng. Dù bạn ăn bằng cách nào thì lợi ích của măng tây đều như nhau. Dưới đây là một số tác dụng của măng tây đối với sức khỏe:
- Măng tây rất tốt cho sức khỏe tim mạch.
- Măng tây giúp điều chỉnh lượng đường trong máu.
- Măng tây có lợi ích chống lão hóa.
- Măng tây giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.
- Măng tây rất tốt cho sức khỏe làn da.
- Măng tây giúp ngăn ngừa sỏi thận.
- Măng tây rất tốt cho phụ nữ mang thai.
- Măng tây rất tốt cho sức khỏe hệ tiêu hóa.
- Măng tây làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Phần kết
Chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về cây măng tây, một loại rau xanh bổ dưỡng có nhiều lợi ích cho sức khỏe và chúng cũng rất có giá trị trên thị trường.
Bạn đã xem qua các yêu cầu về đất trồng, khí hậu, nhiệt độ…để trồng măng tây đạt hiệu quả cao nhất. Bạn cũng đã biết cách trồng măng tây và cách chăm sóc cây măng tây phòng ngừa sâu bệnh gây hại.
Có một bí mật chúng tôi muốn chia sẻ sau cùng đó là: Cây măng tây là một cây trồng đồng hành hữu ích cho cà chua, vì cây cà chua xua đuổi bọ cánh cứng măng tây. Măng tây cũng hữu ích để đẩy lùi một số tuyến trùng hại rễ ảnh hưởng đến cây cà chua.
Hy vọng bạn nhận được những thông tin cần thiết thông qua chia sẻ này của AZ Farming. Chúc bạn thành công và nhiều niềm vui trong hoạt động làm vườn nhé!
Xin Chào! Tôi là Bao Pham với sở thích nghiên cứu nông nghiệp tôi đã thành lập AZ Farming, với mong muốn đồng hành cùng những người yêu thích nông nghiệp và làm vườn…Cùng xây dựng một nền nông nghiệp xanh sạch hiện đại bền vững.