Hoa Hồng (cách trồng, chăm sóc, các loại hồng và ý nghĩa)

Hoa hồng cách trồng và chăm sóc

Ngoài việc chúng ta sẽ cùng tìm hiểu cách trồng hoa hồng, trong bài viết này AZ Farming còn muốn chia sẻ nhiều kiến thức thú vị khác về loài hoa được mệnh danh là “Nữ Hoàng của các loại hoa” này.

Vì thế, đây là một bài viết dài nhưng rất thú vị. Hãy kiên nhẫn và bắt đầu khám phá tất tần tật về loại hoa hồng nhé!

#1 Hoa hồng từ A đến Z

Lịch sử hoa hồng

Có bằng chứng cho thấy hoa hồng được người cổ đại coi trọng ở những nơi như Trung Quốc, Babylon (nơi chúng được cho là một phần tạo nên vẻ đẹp của Vườn treo Babylon nổi tiếng ), Ba Tư, Ai Cập và thậm chí cả châu Âu.

Ở Ai Cập cổ đại, nơi hoa hồng được cho là vật kết nối giữa cuộc sống này và thế giới bên kia, nữ thần Isis yêu cầu những người thờ cúng phải dâng hoa hồng cho mình.

Người Hy Lạp cũng có những suy nghĩ thú vị về hoa hồng. Người ta nói rằng hoa hồng có màu đỏ vì trong một lần vội vàng cứu người yêu đang hấp hối của mình là Adonis, Aphrodite đã cứa chân vào một số gai hoa hồng.

Lịch sử của loài hoa hồng

Sau đó trong lịch sử, hoa hồng sẽ tiếp tục phổ biến trên toàn thế giới. Tuy nhiên, khi nói đến hoa hồng hiện đại, mọi thứ thực sự bắt đầu phát triển vào thế kỷ 19.

Vào khoảng thời gian này, người châu Âu bắt đầu giao thương với người Trung Quốc và một trong những thứ họ mang về từ những chuyến hành trình đến Phương Đông là hoa hồng.

Từ đó loài hoa này được trồng lan rộng ra khắp nơi trên Thế Giới và trở thành một trong những loài hoa đẹp và được yêu thích nhất.

Tên khoa học của loài hồng

Hồng là tên gọi chung cho các loài thực vật có hoa dạng cây bụi hoặc cây leo lâu năm thuộc chi Rosa, họ Rosaceae, với hơn 100 loài với màu sắc và kích thước đa dạng, phân bố từ miền ôn đới đến nhiệt đới.

Tên khoa học: Rosa
Bộ: Bộ Hoa hồng
Lớp cao hơn: Phân họ Hoa hồng
Cấp độ: Chi
Giới (regnum): Plantae
Phân họ (subfamilia): Rosoideae

Màu sắc

Hoa hồng có thể được tìm thấy với đủ loại màu sắc, nhưng chúng thường có màu đỏ dịu, hồng, cam, vàng và trắng.

Ngoài ra trên thị trường bán hoa bạn thường thấy những loại hoa hồng có màu đen hoặc màu sắc cầu vồng. Tuy nhiên, những màu sắc này không có trong tự nhiên, hoa hồng màu cầu vồng hay màu đen được tạo ra bằng kỹ thuật nhuộm màu. 

Để nhuộm màu hoa, bạn cắt thân cây hồng thành nhiều đoạn. Sau đó, nhúng thân cây vào nước đã được nhuộm một màu nhất định. Sau một thời gian, thân cây sẽ hút nước nhuộm, di chuyển đến các cánh hoa là cách hoa đổi màu.

Mùi hương

Người ta cho rằng khoảng một phần tư hoa hồng không có hương thơm, và phần còn lại có mùi hương mạnh hoặc nhạt tùy vào loại hồng.

Mặc dù tất cả các bộ phận của hoa hồng đều có thể phát ra hương thơm, nhưng những cánh hoa là nơi chứa mùi hương mạnh nhất.

Cách sử dụng hoa hồng

♦ Hoa hồng chủ yếu được trồng để làm cảnh, nhưng đó không phải là công dụng duy nhất mà mọi người dành cho chúng.

♦ Hương thơm của hoa hồng có thể được chế biến thành nước hoa bằng quá trình chưng cất hơi nước.

♦ Quả của hoa hồng, được gọi là hoa hồng hông , thường được làm thành mứt.

♦ Trong y học Trung Quốc, hoa hồng còn thường được sử dụng để điều trị rối loạn dạ dày.

#2 Các loại hồng phổ biến

Như đã nói ở phần trên có đến hàng 100 loại hoa hồng khác nhau tuy nhiên, với nhu cầu trồng hoa hồng để làm cảnh thì ở Việt Nam có những loại hồng phổ biến gồm 23 loại hoa hồng.

1. Hoa hồng cổ Sapa

Giống hoa hồng cổ Sapa hay còn gọi là hồng Trà Cổ

Hồng Trà Cổ hay còn thường được gọi là hoa hồng cổ Sapa (vì chúng được trồng nhiều ở Sapa).

Loại hồng này thuộc loại cây thân gỗ chiều cao tối đa lên tới 3 mét, tán rộng, lá có màu xanh sẫm, hoa có cánh kép, dạng khum trà có màu hồng sen và hương thơm quyến rũ.

Cây sinh trưởng rất mạnh mẽ, sống được lâu và cho nhiều hoa nên rất được nhiều người chơi hồng ưa thích.

2. Hoa hồng nhung

Hồng nhung là cây hoa hồng được trồng phổ biến ở Việt Nam. Tên hoa hồng nhung là do chúng có  những bông hoa màu đỏ thắm như những tấm vải nhung nhìn vô cùng quý phái và sang trọng.

Loại hồng này thường mọc thành bụi và có nhiều gai. Không chỉ có cánh hoa dày, đẹp, cây hoa hồng nhung còn có hương thơm rất quyến rũ và khó quên.

3. Hoa hồng Quế

Giống hoa hồng quế

Cây hoa hồng quế là loại cây bụi nhỏ sống lâu năm cao từ 0,4-1,5m. Lá hoa hồng có hình bầu dục hơi tròn màu xanh đậm.

Cánh hoa mỏng, khá nhỏ có màu hồng và màu hồng phấn. Cây khá sai hoa và nở rất nhiều vào mùa xuân nhưng lại nhanh héo.

4. Hoa hồng trắng

Giống hoa hồng trắng

Loại hồng này cho hoa màu trắng trong, trắng ngà hoặc trắng sữa, hương hoa có mùi thơm nhẹ. Hoa hồng bạch thường nở vào mùa thu nhìn rất đẹp và thuần khiết.

Hoa thuộc giống hoa hồng bụi, có sức sống khá tốt, không bị sâu bệnh nhiều và có tuổi thọ cao. Cây hoa khi trưởng thành có đường kính lên tới 1,5 – 3 mét, tán cây khoảng 2 mét.

Cây thuộc cây thân gỗ, hoa có màu trắng, đường kính hoa từ 5 – 6 cm.

5. Hoa hồng trứng

Giống hoa hồng trứng

Loại hồng này có nhiều màu hoa khác nhau như cam, đỏ, vàng, trắng,…. Bông hoa có hình tròn và chụm lại nhìn giống quả trứng nên có tên hoa hồng trứng.

Loại hồng này thường rất dễ bị sâu bệnh nên cần được chăm sóc thường xuyên.

6. Hoa hồng vàng

Giống hoa hồng vàng

Giống hồng nào cho bông màu vàng, thuộc loại cây thân bụi, lá nhỏ thân ít gai và bông to. Cây ban đầu được phát hiện tại các vùng Trung Đông ở thế kỉ 18.

Sau đó được lai tạo và trồng ở nhiều nơi nên ngày nay cây hoa hồng vàng có khá nhiều loại với kiểu dáng, kích cỡ khác nhau.

7. Hoa hồng phấn

Giống hoa hồng phấn

Loại hồng này có màu hồng phấn và có hương thơm rất đặc biệt được trồng nhiều ở những tỉnh thành phía Nam.

Loại hoa hồng này có lá màu xanh thẫm, viền răng cưa, thân cây mềm nhưng khả năng vươn cao lên tới 3 mét. Cây có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt nên rất dễ trồng.

8. Hoa hồng tường vi

Giống hoa hồng leo tường vi

Hồng tường vi có màu đỏ thắm rất quyến rũ và quý phái, thuộc giống thân leo và cho ra nhiều hoa, cánh hoa dày.

Cây có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, thích hợp với điều kiện thời tiết Việt Nam, có thể trồng tại nhiều vùng miền khác nhau.

9. Hoa hồng tầm xuân cánh kép

Giống hoa hồng tâm xuân kép

Loại hoa này có hoa màu hồng phấn, cánh thưa, nhuỵ hoa vàng, khi nở nhìn rõ thấy nhuỵ.

Đặc điểm là thân cây hồng tầm xuân có màu nâu xám và có rất nhiều gai từ thân cây đến cành và cuống lá. Thuộc loại thân leo và có thể leo cao 5 -7 mét.

10. Hoa hồng tầm xuân trắng cánh đơn

Giống hoa hồng tầm xuân trắng cánh đơn

Loại hồng này có thể leo lên đến 10m, phát triển mạnh mẽ, sống tốt trên đất nghèo dinh dưỡng, ít sâu bệnh và chịu khắc nghiệt rất tốt.

Các cánh hoa xếp đều trên mặt phẳng, xòe rộng, màu trắng, nhụy vàng nhạt. Đường kính mỗi bông chỉ khoảng 2-3 cm.

11. Hoa hồng tầm xuân Bắc

Giống hoa hồng tàm xuân Bắc

Hồng tầm xuân Bắc thuộc giống hồng bụi, phát triển mạnh mẽ, tốc độ lớn và tỏa nhanh, chiều cao của cây khoảng 0,5-1,5m.

So với hoa hồng nói chung thì kiểu hoa của tầm xuân Bắc khá đặc biệt bởi các cánh hoa nhỏ nhắn xếp dày dặn.

12. Hoa hồng đào cổ

Giống hoa hồng đào cổ

Hồng đào cổ cũng có màu hồng phấn, các cánh hoa xếp tròn đều quanh tâm, khi hoa mãn khai lộ nhụy vàng óng. Hoa dạng cổ điển với nhiều lớp cánh, đường kính hoa đạt hơn 10cm nếu chăm tốt.

Hồng đào cổ là một trong số các giống hồng có tuổi thọ lâu bền nhất, lên tới 60 năm. Cây thuộc dạng bụi lớn, nhiều cành nhánh, dễ trồng, dễ chăm, ít sâu bệnh, sống tốt trong chậu.

13. Hồng Văn Khôi

Giống hồng văn khôi

Loại hồng này có màu hồng phấn dịu dàng cùng với form hoa tuyệt đẹp là sự sắp xếp xoáy sâu hun hút của các lớp cánh tạo vẻ đẹp đầy ma mị. Các cánh hoa ở tâm xếp hình hoa thị thành khối, các cánh ngoài nhẹ nhàng ôm gọn.

Hồng Văn Khôi còn có hương thơm ngây ngất, đường kính hoa to, hoa liên tục quanh năm. Cây khỏe mạnh và kháng chịu khắc nghiệt rất tốt.

14. Hoa hồng quế son cánh kép

Giống hồng quế son cánh kép

Trong số những giống hồng quế son cánh kép, hồng quế son cánh đơn thì hồng quế son này đẹp hơn cả. Từng bông hoa màu hồng đỏ tròn xinh chúm chím như những nét môi hồng.

Cũng thuộc loại cây bụi nên cây chỉ đạt chiều cao tầm 1 mét, tuy nhiên hoa nở quanh năm và rất sai hoa. Đường kính bông chỉ từ 2-4cm. Cây rất dễ trồng và dễ chăm sóc.

15. Hoa hồng trắng Nam Định

Giống hoa hồng trắng Nam Định

Hoa hồng Bạch Nam Định chính là loài hoa hồng bạch dùng để chữa bệnh, nhất là chữa ho.

Là giống cây bụi thuần, cây sinh trưởng, xanh tốt và cho hoa quanh năm. Hoa với màu trắng tinh khôi, hương thơm dịu dàng, thư thái và rất lâu tàn. Nếu chăm sóc tốt kích thước hoa có thể đạt tới 7cm.

16. Hoa hồng leo Hải Phòng

Giống hoa hồng leo Hải Phòng

Hồng leo Hải Phòng là loài cây thân gỗ, dạng leo có sức sống mãnh liệt với khả năng chịu khắc nghiệt cực tốt.

Bên cạnh đó hoa sở hữu màu đỏ nhung với cánh hoa dày, dáng hoa đẹp, hương thơm đậm quyến rũ khiến ai đã từng chứng kiến đều muốn sở hữu giống hoa này.

Nếu trồng và chăm sóc tốt hoa có thể đạt đến 9cm. Điều đặc biệt là hoa tươi rất lâu, đến gần 1 tháng.

17. Hoa hồng Monalisa

Giống hồng ngoại Monalisa hay còn gọi là hồng Mộng Thi

Hồng Monalisa hay còn gọi là hồng Mộng Thi là loại hồng ngoại, thuộc dạng leo bụi, có nguồn gốc từ Pháp.

Hoa hồng Mộng Thi cao trung bình từ 6-8m, tán rộng đến 1m trong những năm đầu tiên được trồng.

Hoa có màu đỏ tươi, mùi thơm nhẹ nhàng, đường kính hoa có thể lên tới 18cm nếu được chăm sóc phù hợp.

18. Hoa hồng Red Cabbage

Giống hồng Red Cabbage

Đây là giống hoa hồng leo nhập ngoại, có nguồn gốc từ Canada. Cây mọc thành từng bụi, mọc rất cao, có thể lên tới 8m, tán rộng từ 1-2m trong những năm đầu tiên khi trồng.

19. Hoa hồng đỏ Eden

Giống hoa hồng đỏ Eden

Hoa hồng đỏ Eden thuộc họ cây hoa hồng leo với những bông hoa màu đỏ lớn mang vẻ đẹp cổ điển. Mỗi bông hoa có đường kính trung bình là 12,7 cm và có thể có tới 110 cánh hoa.

Hoa hồng đỏ Eden cũng là một trong những loài hoa thơm nhất trên thế giới. Những bông hoa lan tỏa mùi hương mãnh liệt, mùi hương cổ điển.

20. Hoa hồng Nhật Masora

Giống hoa hồng Nhật mosara

Tiếp tục là một loại hoa hồng ngoại đẹp nhất thế giới có nguồn gốc từ Nhật Bản. Hoa hồng ngoại Masora là giống hồng bụi, có màu vàng mơ, cánh kép cùng hương thơm hoa quả.

Với số lượng cánh nhiều, form hoa đầy đặn Masora rose luôn được sự yêu mến từ những ” con nghiện” hoa hồng.

21. Hoa hồng ngoại Kate

Giống hoa hồng ngoại Kate

Đây là giống hoa hồng ngoại có màu tím, hồng bụi dòng cắt cành, cánh kép, hương thơm hoa quả trộn lẫn vào nhau. Cây hoa hồng này cũng rất siêng hoa.

Vẻ đẹp của giống hoa hồng ngoại Kate này được xem là nét đẹp đầy bí ẩn, từ màu sắc đến hình dáng của hoa, cho đến mùi hương; đều vô cùng khác lạ.

22. Hoa hồng Juliet

Giống hoa hồng ngoại Juliet

Hồng Juliet còn có tên gọi khác là “hồng triệu đô”. Được biết, Chính tay ông David Austin đã chăm sóc và nuôi trồng những cây hồng Juliet trong 15 năm và chi phí đã tiêu tốn lên tới 3 triệu bảng Anh.

Hồng Juliet lần đầu tiên được giới thiệu tại Chelsea Flower Show vào năm 2006, Juliet Rose đã tạo nên 1 cơn bão bởi sự sang trọng và vẻ đẹp của nó.

23. Hoa hồng Double Delight

Giống hoa hồng Double Delight

Đây là một trong những loại hoa hồng hiện đại nổi tiếng và phổ biến nhất trên thế giới.

Không ai biết tên của giống hoa hồng này có liên quan đến sự tương phản của màu sắc hay niềm vui nhân đôi là chỉ ra rằng cây vừa màu sắc đẹp vừa có mùi hương tuyệt vời.

#3 Những yêu cầu khi trồng hoa hồng

♦ Đất trồng: Để trồng hoa hồng ra nhiều hoa, hoa to, cành lá sum suê thì nên chọn trồng trong đất tơi xốp. Để có được loại đất trồng này, người trồng có thể mua đất sẵn hoặc cũng có thể trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, phân trùn quế, xơ dừa, vỏ trấu, mùn hữu cơ….

♦ Nhiệt độ: Hoa hồng có thể phát triển tốt ở nhiều vùng khí hậu khác nhau, ở Việt Nam bạn có thể trồng hoa hồng ở bất kỳ đâu.

♦ Ánh sáng: Hoa hồng cần nhiều ánh sáng mặt trời để sinh trưởng tốt và ra nhiều hoa. Bạn cần đảm bảo cây của bạn nhận được ít nhất 6 giờ chiếu sáng mỗi ngày.

#4 Cách trồng hoa hồng

♦ Bước 1: Cho một lớp chất hữu cơ (rơm, vỏ trấu, mùn cưa…) dưới đáy chậu để tăng khả năng thoát nước và tăng độ thoáng khí cho cây.

♦ Bước 2: Cho phần đất trồng đã chuẩn bị từ trước vào chậu, dậm đất nhẹ bằng tay (không nên dậm đất quá chặt sẽ khiến rễ cây khó phát triển)

♦ Bước 3: Dùng tay tạo một lỗ nhỏ sâu khoảng 3 – 4cm, sau đó đặt cây hoa hồng giống vào lỗ lấp đất và dùng tay ấn nhẹ đất xung quanh gốc cây để cố định cây.

♦ Bước 4: Sau khi trồng có thể bón thêm thuốc kích rễ. Lần tưới nước đầu tiên tưới thật đẫm rồi chờ khoảng vài tuần cho đất khô mới tưới tiếp bởi nếu đất quá ẩm sẽ làm gốc cây bị úng, không ra rễ.

♦ Bước 5: Đặt chậu ở vị trí có nhiều ánh sáng mặt trời buổi sáng và có bóng râm che mát buổi trưa, tưới nước và chăm sóc cây thường xuyên đến khi cây ra hoa.

#5 Cách giâm cành hoa hồng

Giâm cành là phương pháp được áp dụng phổ biến nhất hiện để nhân giống hoa hồng. Để giâm cành hồng, bạn sẽ cắt một khúc cành từ thân cây mẹ khỏe mạnh từ 15 – 20cm (chọn cành không quá già cũng không quá non. 

Sau khi cắt, chấm đầu gốc cành hồng vào thuốc kích mọc rễ trước khi cắm xuống đất giâm. 

Tưới nước bằng vòi phun nhẹ thường xuyên cho cành giâm. Sau khoảng 10 – 15 ngày, cành hồng sẽ bắt đầu đâm chồi. Và sau khoảng 25 – 35 ngày cây sẽ ra rễ. Chừng 2 – 2.5 tháng là đã có thể mang cây hồng giâm ra trồng.

#6 Cách chăm sóc cây hoa hồng

♦ Tưới nước: Để cây hồng phát triển tốt cần cung cấp lượng nước đầy đủ. Nếu trồng cây hồng ngoài đất thì nên tưới mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng và chiều mát. Nếu trồng trong chậu bạn có thể tưới khi thấy lớp đất trên bề mặt chậu bị khô. 

♦ Bón phân: Các loại phân hữu cơ, phân trộn, phân chuồng ủ hoại mục rất tốt cho cây hoa hồng. Nếu bạn không đủ lượng phân hữu cơ để bón thì có thể sử dụng phân NPK với một lượng nhỏ.

♦ Lớp phủ: Một lớp phủ vật liệu hữu cơ như rơm rạ, mùn cưa, lá cây khô…sẽ giúp giữ ẩm cho đất trồng điều này cũng giúp cho cây hoa hồng khỏe mạnh hơn.

♦ Thay đất: Khi cây có những dấu hiệu như lá úa vàng, cành lá héo dần điều này cảnh cáo đất trồng đã cạn kiệt chất dinh dưỡng và bạn cần thay đất mới cho chậu hoa của mình.

♦ Cắt tỉa: Đây là công đoạn quan trọng để giúp cây ra ra hoa đẹp và khỏe mạnh. Tiến hành cắt bỏ bớt chồi và những bông hoa không đạt chất lượng. Bạn cũng nên cắt bỏ bớt một số cành và lá nếu bụi hồng của bạn quá rậm rạp.

#7 Phòng ngừa sâu bệnh gây hại cây hoa hồng

Có một số loại hồng rất dễ bị sâu bệnh tấn công, dưới đây là một số loại sâu bệnh gây hại cây hoa hồng phổ biến nhất.

Bệnh phấn trắng: Dấu hiệu nhận biết là những mảng phấn trắng trên nụ và hoa. Trên lá, bạn sẽ thấy các vùng nổi lên giống như vết phồng rộp, sau này được phủ một lớp nấm bột.

Bệnh phấn trắng có thể gây ra nhiều loại vấn đề như lá rụng, hoa không nở và thậm chí sự phát triển của cây có thể bị ngừng lại.

Để xử lý, bạn có thể bắt đầu bằng cách cắt bỏ những phần đã bị nhiễm bệnh. Sau khi làm xong, bạn có thể xịt thuốc diệt nấm để kiểm soát phần còn lại của cây.

Bệnh đốm đen: Dấu hiệu nhận biết là những đốm đen ở mặt trên của tán lá hoa hồng, cây hồng sẽ bị giảm kích thước và số lượng hoa.

Để xử lý, điều đầu tiên bạn nên làm là đảm bảo rằng có đủ không khí lưu thông trong cây của bạn. Cắt tỉa có thể hữu ích ở đây nếu mọi thứ quá rậm rạp. Nếu bạn phát hiện lá bị nhiễm bệnh, hãy cắt chúng và loại bỏ chúng.

Ngoài ra, nhện đỏ, nhện trắng, bọ trĩ, sâu ăn lá hay ốc sên cũng là nguyên nhân gây hại cho hoa hồng. Những loại này có thể quan sát bằng mắt thường và dễ dàng loại bỏ.

#8 Ý nghĩa của hoa hồng

Ý nghĩa theo màu sắc

Với mỗi màu sắc hoa hồng khác nhau sẽ lại mang một ý nghĩa riêng biệt:

+ Hoa hồng đỏ: Biểu tượng của tình yêu chân thành và mãnh liệt. Trong thần thoại Hy Lạp, hoa hồng đỏ gắn liền với hình ảnh của nữ thần tình yêu.

+ Hoa hồng trắng: Biểu tượng của sự thuần khiết, trong sáng. Hoa hồng trắng mang ý nghĩa của sự chân thành, thánh thiện, tôn vinh một tình yêu trong sáng, trường tồn mãi mãi. Đồng thời, hoa hồng trắng còn là loài hoa của mang giá trị tôn vinh, kính trọng những người đã khuất.

+ Hoa hồng vàng: Ở thời đại Victoria, hoa hồng vàng được cho là biểu tượng của sự ghen tuông, chia li và phản bội. Nhưng hiện nay, hoa hồng vàng lại gắn liền với hình ảnh mặt trời, mang lại sự ấm áp và niềm vui. Một đóa hồng vàng như một lời chúc, một sự sẻ chia trong tình bạn. Và đây cũng được xem là cầu nối hòa giải những mối quan hệ rạn nứt, hóa giải những hiểu lầm và mâu thuẫn.

+ Hoa hồng xanh: Màu hoa này chính là biểu tượng cho tình yêu bất diệt, vĩnh cửu. Loài hoa mang nhiều sự bí ẩn, mơ hồ, mang ý nghĩa của những điều khó có thể thành hiện thực.

+ Hoa hồng tím: Màu tím là màu của sự thủy chung, lãng mạn và hoa hồng tím cũng thế. Đây là món quà mà các cặp tình nhân thường dành cho nhau nhân kỷ niệm ngày cưới hay kỷ niệm tình yêu,… như một lời thổ lộ rằng mình đã say đắm đối phương rất nhiều.

Ý nghĩa theo số lượng bông

Ngoài màu sắc thì số lượng hoa hồng cũng có những ý nghĩa khác nhau. Ví dụ như:

– 1 bông hồng: Trong trái tim anh chỉ có mình em.

– 2 bông hồng: Thế giới này chỉ có hai chúng ta.

– 3 bông hồng: Anh yêu em.

– 10 bông hồng: Tình đôi ta thập toàn thập mỹ, không gì phá nổi.

– 11 bông hồng: Thế gian này anh chỉ có mình em.

– 12 bông hồng: Tình yêu của anh nối dài theo năm tháng.

– 99 bông hồng: Tình yêu không bao giờ phai nhạt.

– 100 bông hồng: Anh yêu em chân thành.

– 109 bông hồng: Cầu hôn.

– 365 bông hồng: Ngày nào anh cũng nghĩ đến em.

– 999 bông hồng: Cả hai sẽ mãi mãi đắm say trong tình yêu.

– 1001 bông hồng: Lời hứa bên nhau mãi mãi.

Phần kết

Bạn đã biết một chút về lịch sử của hoa hồng và cách các loại hoa hồng phổ biến hiện nay và chúng ta đã cùng tìm hiểu cách trồng, chăm sóc và phòng trị các loại sâu bệnh phổ biến gây hại cây hoa hồng.

Được mệnh danh là “ Nữ Hoàng của những loài hoa” Hoa hồng mang trong mình những truyền thuyết và những ý nghĩa riêng trong mỗi loại hồng khác nhau.

Là một người yêu thích trồng hoa bạn không thể bỏ qua loại hoa này trong khu vườn của mình. Hy vọng bài chia sẻ này giúp ích được cho bạn, chúc bạn có những phút giây vui vẻ với những bông hoa của mình nhé!

Đóng Góp Ý Kiến Của Bạn