Bệnh khô vằn là một loại nấm bệnh gây hại phổ biến ở cây lúa và ngô (bắp) trong điều kiện thời tiết nóng, ẩm, ít ánh sáng. Loại bệnh này nếu không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng cho mùa màng.
Trong bài viết này, hãy cùng AZ Farming tìm hiểu chi tiết và nguyên nhân gây bệnh, dấu hiệu nhận biết và cách phòng trị bệnh khô vằn đúng cách và hiệu quả nhé!
#1 Bệnh khô vằn là gì?
Khô vằn còn thường được gọi là đốm vằn, bệnh do loại nấm sống ký sinh trong đất là Rhizoctonia solani gây ra và gây hại phổ biến ở cây lúa nước, cây ngô và một số loại cây trồng khác ít phổ biến hơn như: rau cải, đậu, bắp, bầu bí, dưa, cà rốt, ớt…
Một số thông tin về loại nấm Rhizoctonia solani:
Tên khoa học | Rhizoctonia solani |
Cấp độ | Loài |
Loài (species) | R. solani |
Chi (genus) | Rhizoctonia |
Họ (familia) | Ceratobasidiaceae |
Bộ (ordo) | Cantharellales |
Lớp (class) | Agaricomycetes |
Giới (regnum) | Fungi |
#2 Điều kiện phát sinh và lây lan bệnh khô vằn
Bệnh khô vằn lây truyền qua quá trình nước tưới, từ đất mang mầm bệnh, tàn dư thực vật của cây trồng bị bệnh.
Điều kiện môi trường: sự phát sinh và lây lan của bệnh là do môi trường có thời tiết nóng, ẩm, ít ánh sáng, nhiệt độ cao (28 đến 32°C), và độ ẩm cao (85-100%).
Ảnh hưởng của phân bón: Bón thừa đạm, bón đạm muộn, bón không cân đối N-P-K cùng với cấy mật độ cao tạo điều kiện cho bệnh phát triển mạnh.
Các hạch nấm: các mầm nấm bệnh nằm trong đất, tàn dư cây trồng, rơm rạ, cỏ, lúa chét. Các hạch nấm này có thể sống một thời gian dài sau khi thu hoạch lúa, thậm chí trong điều kiện ngập nước vẫn có tới 30% số hạch giữ được sức sống, nảy mầm thành sợi và gây hại cho cây.
#3 Bệnh khô vằn hại lúa
Bệnh thường xảy ra thành từng chòm trên những thửa ruộng, nhất là ở những chỗ lúa mọc quá dày hay quá tốt. Khi bệnh năng, nấm bệnh ăn tới lá đòng thì năng suất có thể giảm tới 50%, hạt không đẹp, lúa bị lép, lửng, khi xay dễ bể.
Dấu hiệu nhận biết bệnh khô vằn trên cây lúa

Các triệu chứng ban đầu của bệnh là các thương tổn ở thân. Các thương tổn này có hình bầu dục, xanh lục ngả xám, dài khoảng 1 – 3 cm và sũng nước. Các thương tổn này phát triển không đồng đều, chuyển sang màu xám ngả trắng với viền màu nâu.
Khi bệnh khô vằn tiến triển, các bộ phận bên trên của lúa bị ảnh hưởng. Ở các bộ phận này, các thương tổn phát triển nhanh chóng tạo thành các vết bệnh liên kết với nhau loang lổ và toàn bộ lá, hoặc thân chuyển sang màu sáng trắng do chết khô. Điều này dẫn đến tình trạng chết lá và chết cây. Ngoài ra, các hạch nấm có thể hình thành trên bề mặt lá lúa, bẹ, thân cây lúa.
Cách phòng trị bệnh khô vằn hại lúa
• Trước khi gieo sạ, bà con cần vệ sinh đồng ruộng thật kỹ, thu gom sạch tàn dư cây bệnh từ vụ trước. Cày bừa, xới đất kỹ để chôn vùi hạch nấm, hạn chế sức sống của chúng.
• Đảm bảo sử dụng các hạt giống khỏe mạnh từ các nguồn được chứng nhận. Sử dụng các giống lúa kháng bệnh nếu có trong khu vực của bạn.
• Không dùng hạt giống ở những ruộng bị nhiễm bệnh để gieo sạ ở mùa vụ tiếp theo. Gieo hoặc cấy lúa với mật độ thích hợp (không gieo quá dày), bón cân đối NPK chia nhỏ lượng phân đạm để bón nhiều lần, nếu bà con bón phân chuồng thì cần ủ hoai mục trước khi bón.
• Điều chỉnh mực nước trong ruộng thích hợp nhất từ 5 – 7 cm. Đảm bảo chế độ tiêu nước hiệu quả cho cánh đồng từ đầu mùa vụ để tránh nạn dịch.
• Thường xuyên thăm đồng, kiểm tra các dấu hiệu bệnh khô vằn trên đồng ruộng để phát hiện sớm bệnh và có biện pháp xử lý. Một số loại thuốc có công dụng phòng trị bệnh khô vằn như: Anvil 5sc, Daconil 75wp, Chevil 5SC, Rovral 50WP
#4 Bệnh khô vằn hại ngô
Bệnh khô vằn ở cây ngô thường xuất hiện ở giai đoạn trước khi cây ra hoa ở những cây 40-50 ngày tuổi nhưng cũng có thể xảy ra ở những cây non hơn.
Dấu hiệu nhận biết bệnh khô vằn trên cây ngô

Trên lá và bẹ lá, có thể nhìn thấy được một số dải vòng đồng tâm dạng nước loang, đổi màu, thường có màu nâu, nâu hung hoặc xám.
Thông thường, các triệu chứng xuất hiện ban đầu trên bẹ lá thứ nhất và thứ hai tính từ mặt đất. Theo thời gian, sự phát triển như bông, màu nâu nhạt, dễ thấy với các đốm nhỏ, tròn, màu đen phát triển trên các mô bị nhiễm bệnh, sau đó có thể lan đến bắp ngô. Lõi ngô đang phát triển bị hư hỏng hoàn toàn và khô sớm với vết nứt trên lá.
Mức độ nghiêm trọng của bệnh phụ thuộc vào giai đoạn phát triển tại thời điểm bị nhiễm nấm. Nếu cây giống bị bệnh, các điểm phát triển sẽ chết và toàn bộ cây có thể bị tàn phá trong vòng một tuần.
Cách phòng và trị bệnh khô vằn hại ngô
• Sử dụng các giống kháng bệnh, nếu có. Tránh mật độ cây trồng cao trong cánh đồng.
• Loại bỏ và đốt cây bị nhiễm bệnh sau khi thu hoạch. Làm đất, ngâm nước ruộng để diệt trừ nguồn bệnh là hạch nấm và tàn dư trong đất. Đảm bảo giữ cho cánh đồng sạch sẽ và không làm tổn thương cây trồng.
• Khi ngô (bắp) đã lớn làm sạch cỏ, bóc sạch bẹ và lá bị bệnh khô vằn đem tiêu hủy để hạn chế bệnh và ruộng ngô (bắp) thông thoáng.
• Luân canh cây trồng có thể giúp kiểm soát sự lây lan của bệnh ở một mức độ nào đó.
• Để giảm tỷ lệ mắc bệnh và mức độ nghiêm trọng của bệnh, hạt ngô giống có thể được khử trùng 10 phút trong dung dịch natri hypoclorit 1% và ethanol 5%, rửa ba lần bằng nước và sấy khô.
• Bón chế phẩm Trichoderma vào đất trước khi gieo trồng hoặc pha nước tưới gốc sau khi cây con đã mọc, phun vào gốc, mặt đất và cây con khi chớm có bệnh trên đồng ruộng.
• kiểm tra các dấu hiệu bệnh khô vằn trên cây ngô để phát hiện sớm bệnh và có biện pháp xử lý. Một số loại thuốc bảo vệ thực vật có công dụng phòng trị bệnh khô vằn hại ngô như: Anvil 5sc, Daconil 75wp, Chevil 5SC, Validacin 5l. Amistar Top 325SC
Trên đây là những thông tin chi tiết về bệnh khô vằn một loại bệnh phổ biến và gây nhiều thiệt hại ở nhiều loại cây trồng, trong đó đáng chú ý là cây lúa và ngô. Phòng bệnh là cách trị bệnh tốt nhất, vì thế bà con cần chú ý thăm vườn thường xuyên và có biện pháp phòng bệnh ngay từ đầu nhé!
Các loại nấm bệnh gây hại công trồng phổ biến

Xin Chào! Tôi là Bao Pham với sở thích nghiên cứu nông nghiệp tôi đã thành lập AZ Farming, với mong muốn đồng hành cùng những người yêu thích nông nghiệp và làm vườn…Cùng xây dựng một nền nông nghiệp xanh sạch hiện đại bền vững.