Bệnh đạo ôn hại lua – cách nhận diện và phòng trị

Bệnh đạo ôn

Bệnh đạo ôn là một trong những loại nấm bệnh thường gặp và gây thiệt hại nghiêm trọng phổ biến ở cây lúa. Nếu không kịp thời phát hiện và xử lý chúng có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho mùa màng.

Trong bài viết này, hãy cùng AZ Farming tìm hiểu về cách nhận biết và phòng trị bệnh đạo ôn hại lúa này nhé!

#1 Bệnh đạo ôn là gì?

Đạo ôn là tên gọi của một loại bệnh được gây ra do nấm Magnaporthe grisea, đây là một loại nấm thường gây bệnh ở cây lúa. Bào tử của loại nấm này rất nhỏ, có thể phát tán và bay cao 24–25m, thậm chí chúng có thể bay xa đến 10km lây lan cho các ruộng lúa lân cận trong khu vực một cách dễ dàng.

Một số thông tin loài nấm Magnaporthe grisea gây bệnh đạo ôn ở lúa:

Tên khoa họcMagnaporthe grisea
Tên gọi khácPyricularia oryzae
Loài (species)M. grisea
Chi (genus)Magnaporthe
Họ (familia)Magnaporthaceae
Bộ (ordo)Magnaporthales
Lớp (class)Sordariomycetes
Ngành (phylum)Ascomycota
Giới (regnum)Fungi
Nấm Magnaporthe grisea gây bệnh đạo ôn ở cây lúa

Bệnh đạo ôn thường phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết âm u, giờ nắng trong ngày ít, sáng sớm có sương mù hay trời có mưa phùn, nhiệt độ thích hợp nhất trong khoảng từ (20 – 23C). Các yếu tố như giống nhiễm, bón phân đạm nhiều, sạ dày, lá lúa nằm ngang, phiến lá rộng, ruộng thiếu nước, cỏ dại nhiều là điều kiện thuận lợi để nấm phát sinh, phát triển và gây bệnh nặng.

Các giống lúa M-201, M-202, M-204, M-205, M-103, M-104, S-102, L-204, Calmochi-101, với M-201 là giống dễ bị bệnh đạo ôn nhất.

#2 Dấu hiệu nhận biết cây lúa bị bệnh đạo ôn

Bệnh đạo ôn có thể gây hại ở tất cả các giai đoạn từ thời kỳ mạ đến khi trổ chín và gây hại ở tất cả các bộ phận của cây như lá, bẹ lá, đốt thân, cổ bông, cổ gié và hạt.

Trên lá: bệnh hại chủ yếu ở giai đoạn mạ – đẻ nhánh, cổ bông và hạt. Lúc đầu vết bệnh chỉ nhỏ như đầu mũi kim, màu xám xanh giống như bị nước sôi, sau chuyển sang màu nâu, rồi lan rộng dần ra thành hình thoi, xung quanh màu nâu đậm, giữa màu xám trắng. Nếu nặng, nhiều vết liên kết lại với nhau tạo thành mảng lớn, có thể làm lá bị khô cháy, cây lúa lụi tàn, gây thất thu năng suất nghiêm trọng.

Trên đốt thân: vết bệnh màu nâu làm đốt teo lại, nếu bệnh xuất hiện thời điểm lúa đang trổ thì toàn bộ bông bị lép trắng nhưng lấy tay rút lên thấy khó hơn triệu chứng lép trắng do sâu đục thân.

Dấu hiệu nhận biết bệnh đạo ôn ở lúa

Trên cổ bông (cổ gié): nấm bệnh tấn công trên cổ bông (cổ gié) làm cản trở việc vận chuyển chất dinh dưỡng từ cây lúa lên nuôi bông, nuôi hạt, hạt lúa sẽ bị lép lửng. Nếu bệnh tấn công sớm có thể làm cho hạt lúa bị lép hoàn toàn. Vết bị bệnh lúc đầu có màu xám xanh, sau chuyển dần sang màu nâu, nâu đậm. Nếu ẩm độ không khí cao, chỗ vết bệnh sẽ mọc một lớp nấm mốc màu xám xanh, dễ bị gãy, làm ruộng lúa trở nên xơ xác.

Trên hạt: vết bệnh có hình tròn, viền nâu, tâm màu xám trắng, đường kính khoảng 1 – 2mm, làm hạt lúa bị lem lép, Nếu bị bệnh sớm, hạt lúa có thể bị lép hoàn toàn

#3 Cách phòng trị bệnh đạo ôn hại lúa

Phòng đạo ôn bằng biện pháp canh tác

Trước khi bắt tay vào việc gieo trồng, bạn cần phải vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch toàn bộ tàn dư của những cây bệnh vụ trước (trục và dìm kỹ rạ, rơm), dọn sạch những cỏ dại xung quanh bờ và mương tưới.

Không gieo trồng giống nhiễm bệnh, không lấy lúa ở những ruộng đã bị bệnh đạo ôn ở vụ trước để làm giống cho vụ sau. Chọn giống có gen kháng bệnh đạo ôn.

Chọn giống sạch bệnh: xử lý hạt giống bằng nước nóng 54 °C trong 10 phút hoặc xử lý bằng thuốc hoá học. xử lý giống bằng cách trộn hạt lúa giống với nước muối 15%.

Không gieo sạ với khoảng cách quá dày giúp bảo vệ cây lúa được khỏe mạnh, kháng được bệnh đạo ôn hại lúa. Mỗi ha chỉ gieo khoảng 100 – 120 kg, nếu dùng máy chỉ cần 70 – 80 kg.

Không bón quá nhiều phân đạm, nhất là thời kỳ cuối đẻ nhánh và trước sau trổ. Phải bón cân đối giữa đạm, lân và kali. Nên bón theo bảng so màu lá lúa để cây lúa luôn khỏe mạnh, không bị tốt lốp, có sức chống đỡ với bệnh.

Thường xuyên theo dõi đồng ruộng, đặc biệt là những thời kỳ cây lúa mẫn cảm với bệnh, bệnh đạo ôn hại lúa.

Phòng trị bệnh đạo ôn bằng thuốc hóa học

Bà con nên thường xuyên kiểm tra ruộng lúa thường xuyên để kịp thời phát hiện và có biện pháp phòng trị bệnh kịp thời. Nếu phát hiện có bệnh đạo ôn, mà thời tiết đang phù hợp cho bệnh thì phải ngừng bón phân, không để ruộng bị khô nước và tiến hành phun xịt thuốc kịp thời.

Một số loại thuốc bảo vệ thực vật dùng để phòng trị đạo ôn lúa như: Antracol 75WG, Amistar Top 325SC, Nativo 750WG, Tilt Super 300EC, Flintpro 648wg, Kasumin 2SL , Daconil 75wp

Khi sử dụng thuốc hóa học bà con nên tuân theo nguyên tắc 4 đúng và phun khi phát hiện ổ bệnh trên đồng ruộng càng sớm càng tốt nhé!

Đóng Góp Ý Kiến Của Bạn