Mô hình thủy canh màng dinh dưỡng (Nutrient Film Technique)

Mô hình thủy canh màng dinh dưỡng Nutrient Film Technique

Mô hình thủy canh màng dinh dưỡng hay còn được gọi ngắn gọn là kỹ thuật màng dinh dưỡng. Nhưng đừng để cái tên nghe có vẻ “kỹ thuật” đánh lừa bạn, và nghĩ rằng đó là một hệ thống khó để thiết lập. 

Thực tế mô hình này rất đơn giản để xây dựng và sử dụng, chỉ cần bạn hiểu một vài nguyên tắc cơ bản. Vì vậy, cho dù bạn mới bắt đầu với trồng rau thủy canh, hay bạn đã có một số kinh nghiệm và  muốn thử một phương pháp mới. Hãy đọc bài chia sẻ này và bạn sẽ tìm thấy cách bạn có thể trồng những cây phát triển nhanh với kỹ thuật màng dinh dưỡng nhé.

#1 Mô hình thủy canh màng dinh dưỡng (NFT) là gì?

mô hình thủy canh màng dinh dưỡng là gì

Kỹ thuật màng dinh dưỡng (Nutrient Film Technique) hay còn gọi là phim dinh dưỡng là một phương pháp thủy canh, trong đó rễ cây lơ lửng trên một dòng dung dịch dinh dưỡng liên tục chảy, cung cấp cho cây tất cả bao gồm nước, chất dinh dưỡng và oxy cần thiết để duy trì sự phát triển của cây trồng.

Thuật ngữ “màng dinh dưỡng” dùng để ám chỉ một dòng dung dịch dinh dưỡng nông liên tục di chuyển đi qua rễ. Điều này đảm bảo chỉ phần dưới cùng của rễ sẽ ngập trong dung dịch dinh dưỡng, trong khi phần trên của rễ cây sẽ tiếp xúc với môi trường không khí, do đó cung cấp cho rễ một nguồn cung cấp oxy dồi dào.

#2 Kỹ thuật thủy canh màng dinh dưỡng hoạt động như thế nào?

Trong kỹ thuật thủy canh màng dinh dưỡng, khoang mà rễ phát triển có dạng một kênh (có thể là dạng ống tròn hoặc dạng hộp) – gọi là ống trồng cây. Các ống trồng này được đặt ở một độ nghiêng nhẹ để dung dịch thủy canh có thể chảy từ đầu ống này đến đầu ống còn lại. 

Cây trồng nằm trong các lỗ trên đỉnh của các ống trồng cây thường được đặt trong các chậu lưới để cố định cây trồng. Do thiết kế này mà rễ cây sẽ lơ lửng trên dung dịch dinh dưỡng bên trong khoang của các ống trồng cây. Thông thường với phương pháp này bạn không cần giá thể.

kỹ thuật thủy canh màng dinh dưỡng hoạt động như thế nào

Dung dịch được bơm từ một bể chứa đến đầu cao hơn của các ống trồng cây, và sau khi dung dịch chảy qua hết chiều dài của ống, dung dịch được thu hồi lại bể chứa dung dịch. Do đó, kỹ thuật màng dinh dưỡng thủy canh là một hệ thống khép kín tuần hoàn tái sử dụng dung dịch dinh dưỡng.

#3 Ưu và nhược điểm của kỹ thuật thủy canh màng dinh dưỡng?

Ưu điểm của kỹ màng dinh dưỡng

Có một số lý do để bạn chọn kỹ thuật màng dinh dưỡng thủy canh so với các hệ thống thủy canh khác, chủ yếu là do tính đơn giản và dễ sử dụng của nó. Dưới đây là một số ưu điểm của hệ thống này:

  • Dễ dàng xây dựng và bảo trì
  • Dễ dàng thích ứng với các không gian khác nhau (nhỏ đến quy mô thương mại)
  • Chi phí thiết lập không quá cao
  • Không cần giá thể trồng cây
  • Giảm nhu cầu sục khí dung dịch dinh dưỡng trong bể chứa, do hệ thống này cung cấp nhiều không gian cho rễ cây
  • Sử dụng hiệu quả dung dịch dinh dưỡng hơn do đây là hệ thống tuần hoàn tái sử dụng dung dịch dinh dưỡng

Nhược điểm của kỹ màng dinh dưỡng

Một nhược điểm của phương pháp thủy canh màng dinh dưỡng là phụ thuộc vào điện, với máy bơm hoạt động 24/7. Và nếu mất điện hoặc hỏng máy bơm, rễ cây sẽ nhanh chóng bị khô và cây của bạn có thể bị hư hại nghiêm trọng.

Nhược điểm khác là những cây trồng thủy canh có kích thước lớn, cây có bộ rễ to và dài sẽ không phù hợp với kỹ thuật thủy canh màng dinh dưỡng. Các hệ thống này phù hợp nhất với các loại cây nhỏ, phát triển nhanh như xà lách, các loại rau xanh châu Á…

Hầu hết các cây ra hoa và đậu quả sẽ cho năng suất tốt hơn khi rễ cây được để khô giữa các chu kỳ tưới, vì vậy việc tiếp xúc liên tục với độ ẩm cao do kỹ thuật thủy canh màng dinh dưỡng cung cấp không phải là môi trường tốt nhất cho các loại cây này.

#4 Hướng dẫn tự làm mô hình thủy canh màng dinh dưỡng tại nhà

Để xây dựng một hệ thống thủy canh kỹ thuật màng dinh dưỡng, bạn sẽ cần những thành phần cơ bản sau:

  • Các ống trồng cây (nên chọn loại ống PVC chuyên dụng hộp vuông)
  • Giỏ lưới để đựng cây trồng
  • Bể chứa dung dịch dinh dưỡng
  • Bơm chìm
  • Ống dẫn dung dịch

1. Ống trồng cây

Có nhiều vật liệu khác nhau để  lựa chọn làm ống trồng cây như: ống nhựa bình minh, ống tre, ống PVC chuyên dụng dạng hộp vuông (được khuyến nghị sử dụng). Vi vật liệu tốt nhất để dùng làm ống trồng cây trong hệ thống NFT là các ống ở phía dưới đáy bằng phẳng. Bằng cách này, bạn có thể tạo ra một màng dinh dưỡng có diện tích bề mặt lớn hơn để rễ hấp thụ chất dinh dưỡng và tiếp xúc với oxy tốt hơn.

Đối với chiều dài lý tưởng của các ống trồng cây là khoảng 10-12 mét trở lại, đừng dài hơn. Nếu ống trồng cây quá dài những cây ở phía cuối ống sẽ có nguy cơ bị thiếu chất dinh dưỡng. Chiều dài ngắn hơn cũng sẽ làm cho hệ thống của bạn trông gọn gàng hơn và linh hoạt hơn về việc sử dụng không gian.

2. Giỏ lưới để giữ cây trồng

Giỏ lưới thường được gọi là chậu lưới hoặc cốc lưới, những giỏ lưới nhỏ này được sử dụng trong các mô hình thủy canh không yêu cầu giá thể. Chúng giúp cố định gốc và thân cây và cho phép rễ lộ ra ngoài để phát triển.

Khi mua giỏ lưới, bạn nên chọn loại phù hợp với kích thước lỗ trên ống trồng cây của bạn và kích thước loại cây mà bạn định trồng.

3. Bể chứa dung dịch thủy canh

Như với bất kỳ mô hình thủy canh nào, bể chứa dung dịch dinh dưỡng của bạn nên được làm bằng vật liệu mờ đục, để ngăn chặn sự phát triển của tảo và vi khuẩn.

Nếu bạn đặt bể chứa dung dịch trong hệ thống NFT của mình ở điểm thấp hơn các ống trồng cây, bạn sẽ không cần thêm máy bơm không khí hoặc đá không khí để cung cấp oxy cho dung dịch dinh dưỡng. 

Nếu bạn thiết kế hệ thống của bạn sao cho dung dịch chảy xuống từ dòng hồi lưu nằm cao hơn bể chứa một chút, hành động này sẽ liên tục làm sục khí cho dung dịch và bạn không cần bơm khí.

4. Máy bơm chìm

Với kỹ thuật màng dinh dưỡng thủy canh, bạn cần một máy bơm loại tốt, vì nó sẽ chạy liên tục để giữ cho dung dịch chảy trong toàn hệ thống. Công suất của máy bơm tùy thuộc vào quy mô và lưu lượng du dịch bạn cung cấp cho hệ thống của mình.

Một lưu ý khác khi chọn máy bơm cho hệ thống NFT của bạn là bạn nên mua một máy bơm có thể điều chỉnh tốc độ dòng chảy. Điều này giúp bạn có thể dễ dàng điều chỉnh dòng dinh dưỡng theo nhu cầu của cây trồng khi chúng phát triển.

5. Ống dẫn

Số lượng ống dẫn sẽ tùy thuộc vào thiết kế của hệ thống của bạn. Nếu hệ thống của bạn có nhiều ống trồng cây thì sẽ cần nhiều ống dẫn và ngược lại. Khi chọn ống dẫn nên lưu ý không chọn loại ống trong suốt để phòng ngừa tảo phát triển trong hệ thống thủy canh.

#5 Cân nhắc về tốc độ dòng chảy dung dịch của kỹ thuật màng dinh dưỡng

Trong mô hình thủy canh màng dinh dưỡng, các ống trồng cây nên được đặt nghiêng một chút để tạo ra tốc độ dốc cho dòng chảy. Theo nguyên tắc chung, tốc độ dòng chảy trong các ống trồng của bạn phải vào khoảng 1 lít mỗi phút, tức là khoảng 60 lít mỗi giờ. 

Tuy nhiên, bạn có thể có tốc độ dòng chảy thấp đến 0,5 lít mỗi phút hoặc cao đến 1.5 lít mỗi phút nếu không làm mất cân bằng chất dinh dưỡng cho cây trồng.

Để đạt được phạm vi tốc độ dòng chảy 1 lít mỗi phút, tỷ lệ độ dốc của ống trồng cây phải nằm trong khoảng từ 1:30 đến 1:40, nghĩa là độ dốc 10cm chiều cao nếu ống của bạn có chiều dài là 3m.

Kỹ thuật màng dinh dưỡng có thể dễ dàng điều chỉnh nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng một cách đơn giản bằng cách điều chỉnh tốc độ dòng chảy của dung dịch hoặc có thể sử dụng các cách sau:

  • Thiết kế hệ thống của bạn để bạn có thể điều chỉnh độ dốc của các ống trồng cây.
  • Sử dụng máy bơm có thể điều chỉnh tốc độ dòng chảy dung dịch.
  • Đặt van chặn nội tuyến ở đầu vào các ống trồng cây.

#6 Dùng mô hình thủy canh màng dinh dưỡng để ươm cây giống

Khả năng điều chỉnh tốc độ dòng chảy của các ống trồng cây đặc biệt hữu ích nếu bạn có ý định sử dụng hệ thống NFT của mình để ươm cây giống.

Để bắt đầu ươm hạt hoặc giâm cành, bạn sẽ cần sử dụng chất trồng trong giỏ lưới để hỗ trợ hạt giống nảy mầm và đảm bảo chúng nhận được độ ẩm và chất dinh dưỡng cần thiết. Bạn nên chọn loại giá thể ít có khả năng bị úng nước, chẳng hạn như vụn xơ dừa hoặc đá trân châu.

Để khuyến khích hạt nảy mầm, hãy tăng thể tích dung dịch và đồng thời giảm tốc độ dòng chảy. Có nghĩa là, bạn muốn mức độ dung dịch trong các ống trồng cao hơn một chút, nhưng tốc độ của dòng chảy thấp hơn. 

Phương pháp này thực sự hữu ích cho quá trình ươm hạt giống, từ đó đẩy nhanh chu kỳ sản xuất của cây trồng của bạn.

Phần kết

♦ Trong bài chia sẻ này chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về kỹ thuật thủy canh màng dinh dưỡng. Đây là một trong những mô hình được sử dụng phổ biến trống trong thủy canh.

♦ Với những ưu điểm dễ thiết lập dễ vận hành và dễ năng cấp, đây là mô hình thủy canh thích hợp cho cả những người trồng rau tại nhà với quy mô nhỏ và cũng thích hợp với những ai có ý định trồng quy mô thương mại.

♦ Khi xây dựng hệ thống màng dinh dưỡng bạn đừng quên một yếu tố rất quan trọng đó là độ nghiên của các ống trồng cây. Đây là vấn đề nhiều người mới thường hay quên.

♦ Bên cạnh mô hình màng dinh dưỡng thì bạn có thể tham khảo thêm những mô hình thủy canh khác. Để từ đó chọn lựa được mô hình phù hợp nhất cho mình nhé!

Mô hình thủy canh dạng bấc – Wick (đơn giản nhất)

Mô hình nuôi nước sâu – Deep Water Culture  (dễ thực hiện)

Mô hình ngập và rút nước – Ebb and Flow (phổ biến nhất)

Mô hình tưới nhỏ giọt – Drip (phổ biến)

Mô hình khí canh – Aeroponics (yêu cầu kỹ thuật cao nhất)

Đóng Góp Ý Kiến Của Bạn