Sâu đục thân hại lúa (nguyên nhân và cách phòng trị)

Sâu đục thân hại lúa

Sâu đục thân hại lúa là một loại côn trùng gây hại phổ biến đối với cây lúa, nếu không có biện pháp phòng trị thì có thể dẫn đến những thiệt hại nghiêm trọng đối với mùa vụ.

Trong bài viết này, hãy cùng AZ Farming tìm hiểu chi tiết về các loại sâu đục thân hại lúa, cách phòng và trị loại côn trùng gây hại này nhé!

#1 Các loại sâu đục thân hại lúa

Sâu đục thân lúa bao gồm 4 loài phổ biến:
• sâu bướm hai chấm,
• sâu năm vạch đầu nâu,
• sâu năm vạch đầu đen,
• sâu bướm Cú mèo.
Trong đó, sâu đục thân lúa bướm hai chấm chiếm tỷ lệ cao nhất từ 95-98%.

Sâu đục thân bướm hai chấm có tên khoa học là Scirpophaga incertulas Walker. Chúng gây hại trong suốt thời kỳ sinh trưởng của lúa ( kể cả giai mạ). Nó ưa thích và phát triển trong điều kiện ấm, nóng và ẩm độ cao nên ở miền Nam và miền Trung sâu có thể gây hại trong tất cả các vụ lúa. 

Tại các tỉnh phía Bắc, những năm mùa đông rét đậm kéo dài, vụ mùa khô hạn thường phát sinh nhiều loại bướm 2 chấm này. Một năm loại sâu này có 6 -7 lứa, gây thiệt hại nhiều nhất là lứa 2 (tháng 5) và lứa 5 (tháng 9) gây bông bạc.

#2 Đặc điểm sinh thái của sâu bướm hai chấm đục thân lúa

Đặc điểm sinh thái của sâu bướm hai chấm đục thân lúa

• Ở nhiệt độ 25 độ C, sâu đục thân hại lúa phát triển thuận lợi nhất

• Thời gian phát dục trung bình khoảng 6 ngày, giai đoạn ấu trùng (sâu non) trung bình tầm 27 ngày và vòng đời diễn ra trong 5 ngày.

• Trứng đẻ thành ổ hình bầu dục dài, trên mặt phủ một lớp lông màu vàng nhạt ở giữa hơi nhô lên.

• Trứng mới đẻ có màu trắng, sau chuyển màu ngà vàng rồi thành màu đen khi sắp nở.

• Thời kỳ nhộng dao động trong vòng 6 ngày.

• Sâu non có đẫy sức dài 21 – 25 mm màu trắng sữa, đầu màu nâu vàng.

• Bướm vũ hóa đẻ trứng trong vòng 2 đến 4 ngày.

#3 Triệu chứng gây hại của sâu đục thân hại lúa

• Trong giai đoạn gieo mạ hoặc lúa làm đòng: sâu đục thân lúa đục xuyên qua bẹ lá bên ngoài, đục vào đến nõn giữa, hút chất dinh dưỡng làm cây mạ bị chết khô, dảnh lúa bị héo.

• Cây mạ khi còn nhỏ bị hại có thể chết khô, nếu mạ đã lớn bị hại thì dễ bị đứt gốc khi nhổ mạ.

• Cây lúa ở thời kỳ đẻ nhánh, sâu đục vào phần dưới của thân, cắt đứt tổ chức bên trong phá hại chức năng dẫn nhựa làm cho lá non trước tiên bị cuốn dọc, có màu xanh tái sẫm, dần chuyển sang màu vàng và héo khô.

• Giai đoạn lúa đứng cái làm đòng thì sâu non tập trung phá hại phía trong bẹ và đục vào ống.

• Thời kỳ trổ bông, sâu đục vào cuống bông, cắt đứt sự vận chuyển dinh dưỡng của bông lúa hoặc sâu tuổi nhỏ tập trung cắn nát đòng, bông lúa không trổ hoặc nếu trổ thì các hạt bị lép trắng (bạc bông).

#4 Các biện pháp phòng trừ sâu đục thân hại lúa

Biện pháp phòng ngừa sâu đục thân lúa

• Sau mỗi vụ thu hoạch xong phải cày bừa trước khi bắt đầu vụ mới, cày để lật gốc rạ xuống đồng thời vệ sinh sạch sẽ đồng ruộng. Đó là biện pháp phòng ngừa sự phát sinh của sâu đục thân.

• Gieo mạ thành từng khoảng, từng giống để tiện chăm sóc

• Sắp xếp thời vụ và cấy gọn thời vụ để tránh những đỉnh cao phát sinh của sâu đục thân hại lúa, đặc biệt là lứa 2 và lứa 5. Lưu ý khi lúa trổ xong hoàn toàn trước lúc bướm rộ sẽ rất an toàn, vì vậy cần chú ý thời vụ gieo cấy để tránh gây hại của sâu.

• Các loại cây thu hút thiên địch nên được trồng xung quanh ruộng lúa. Kẻ thù tự nhiên của sâu đục thân bao gồm tò vò, các loài họ ong bắp cày, ong mắt đỏ.

• Cân đối lượng phân bón sử dụng. Không bón thừa đạm hoặc bón không cân đối theo đúng quy trình.

Cách trị sâu đục thân hại lúa

Trong giai đoạn đầu sâu đục thân hại lúa phát triển, bà con có thể sử dụng các biện pháp thủ công như dùng bẫy lồng đèn, ngắt bỏ lúa héo, diệt ổ trứng.

Khi nhận thấy mật độ trứng sâu khoảng nửa ổ trên 1m²  ở giai đoạn làm đòng và theo dõi bướm vũ hóa rộ trước khi lúa trỗ từ 5 – 7 ngày thì sử dụng thuốc trừ sâu để phun trừ. Padan 95SP, Regent 800WP, Dupont prevathon 5sc, Virtako 40WP

Đóng Góp Ý Kiến Của Bạn